TRANG SÁCH TÔI YÊU
(Bài hưởng ứng Lễ phát động Tuần lễ học tập suốt đời của Sở GD&ĐT Nghệ An)
Tác giả: Tuấn Phạm
Bén duyên
Có ai đó đã nói hình tượng đại ý rằng kiến thức của nhân loại là một đại dương bao la mà hiểu biết của mỗi người chỉ là giọt nước mà thôi. Chính vì vậy việc học tập là suốt đời chứ không phải chỉ ngày một ngày hai. Trong Kỷ nguyên số như hiện nay thì việc tự học đóng một vai trò vô cùng quan trọng, quyết định thành công ở mỗi người. Việc chiếm lĩnh tri thức ngoài các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì việc đọc sách vẫn là rất then chốt. Đúng như nhà nghiên cứu Chu Quang Tiềm đã viết: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”.
Mỗi trang sách mỗi cuộc đời
Như sông dẫn lối biển khơi vô cùng
Những dòng thơ trên là tôi đã viết tặng cuốn sách mà tôi yêu quý. Cuộc đời mỗi người đều gắn bó bền chặt với một kỉ niệm tuổi thơ không thể xóa mờ. Có người thì đó là một trò chơi thuở nhỏ, một người bạn nối khố; có người thì đó lại là một bài học dưới mái trường dấu yêu. Riêng tôi lại là với một quyển sách ! Cuốn Văn học và Tuổi trẻ.
Tôi còn nhớ như in cái duyên đến với trang sách cuộc đời ấy là lần đến với Bưu điện văn hóa xã để đọc sách. Trong rất nhiều cuốn không hiểu sao tay tôi lại chọn quyển Văn học & Tuổi trẻ. Chắc là bởi bìa rất bắt mắt nhờ sự tài hoa của người họa sĩ thiết kế. Tôi đã đọc ngấu nghiến một mạch và chợt nhận ra rằng đây là một phần không thể thiếu trong cuộc “trường chinh” sắp tới của cuộc đời mình !
Định hướng cuộc đời
Là một đứa con trai nhưng tôi lại rất đa cảm và rất thích đọc các sách về văn học. Điều này có lẽ là bởi trước đây bố tôi vốn làm công tác thư viện ở một trường trung cấp sư phạm miền núi thuộc tỉnh Nghệ An. Cứ mỗi thứ bảy về quê là ông lại đèo sau xe đạp một chồng sách truyện về cho anh em tôi đọc. Chúng tôi vô cùng thích thú và cứ háo hức chờ đợi mỗi dịp cuối tuần. Tuần nào bố bận không về được là anh em tôi lại ỉu xìu như bánh đa gặp nước. Những quyển sách bố tôi mang về ấy theo năm tháng đã bồi đắp cho chúng tôi bao điều tốt đẹp, nuôi dưỡng bao mơ ước của tuổi thơ. Đó là những bộ truyện mà tôi không bao giờ có thể quên được: Dế Mèn phiêu lưu kí, Tiếng gọi nơi hoang dã, Không gia đình…Mỗi cuốn sách là một cuộc đời, một sự khám phá, khơi gợi biết bao điều trong tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi…
Lại nói về cuốn sách tôi yêu, quyển Văn học và Tuổi trẻ. Nó đã giúp định hướng cho cuộc đời tôi. Từ khi bắt gặp “người bạn” ấy tôi như mê mẩn, cứ mong mỗi dịp cuối tháng để được gặp, để lại đọc quên ăn quên ngủ. Tôi say mê tới mức dường như có thể thuộc lòng hết tất thảy. Mỗi chuyên mục là một sự mới mẻ, một sự lôi cuốn kì diệu.
Lúc học cấp ba tôi được chọn thi học sinh giỏi tỉnh môn Văn. Anh chị tôi đều hướng tôi học các môn tự nhiên để thi vào khối kỹ thuật (vì tôi học khá đều các môn). Tuy vậy tôi vẫn giữ ngọn lửa với văn chương. Tôi ao ước sau này trở thành một nhà văn viết cho thiếu nhi. Tôi sẽ dùng ngôn từ để ghi và vẽ lại cuộc sống và cảnh vật tươi đẹp quê tôi cho các thế hệ mai sau. Lúc đó nhiều người cho tôi là bị hâm, anh chị bạn bè khuyên không được đành ngó lơ và bảo rằng con trai mà học Văn sau này sẽ yếu đuối và chẳng làm nên trò trống gì cả. Chỉ có bố tôi vẫn âm thầm động viên tôi vững tâm trên con đường đã chọn. Và rồi đùng cái tôi lại chọn thi vào Sư phạm Ngữ văn theo mong muốn của bố thay vì trường khác. Nhưng trong sâu thẳm tôi hiểu ai đã định hướng cho tôi đi con đường ấy. Quyển sách cuộc đời đã cho tôi biết bao điều kì diệu. Nhờ nó tôi biết Lỗ Tấn đã coi văn chương là phương thuốc tốt nhất để chữa bệnh tinh thần cho nhân dân Trung Quốc cần lao còn u tối, Macxim Gorki lúc nhỏ vượt qua nỗi sợ ma để có sách mà đọc sau này trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới….Những tấm gương ấy đã tiếp thêm động lực cho tôi thực hiện ước mơ của mình.
Và truyền lửa
Và thế là tôi đã trở thành một người giáo viên dạy Văn ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Thật khó nói hết niềm vui sướng của tôi và cha mẹ. Vì lúc đó ở quê tôi đậu Đại học còn rất ít. Tôi đã mang tình yêu đối với văn chương truyền lại cho những đứa trẻ quê vốn lam lũ nhếch nhác nhưng ham học đáng yêu và sáng dạ. “Người bạn” trước đây giờ lại tiếp tục đồng hành cùng tôi trong mỗi giờ dạy. Nó giúp mỗi tiết giảng thêm sinh động và cuốn hút. Tôi đã thấy mắt học trò sáng lên khi tôi viết vài chữ Hán cổ để minh họa cho từ Hán Việt, hay câu chuyện đánh nhau bằng cả câu đối của Nguyễn Hữu Cầu làm cho các em vô cùng thích thú. Những kinh nghiệm giảng dạy của các giáo viên trên mọi miền Tổ quốc được tôi vận dụng khéo léo vào bài học khiến kĩ năng làm bài của các em được nâng lên. Và bản thân tôi cũng luôn nỗ lực và phấn đấu làm tấm gương cho học trò. Tôi đã mạnh dạn viết những lời bình thơ, làm thơ, viết cả truyện ngắn và được đăng lên Tạp chí ấy; những đề văn hay của tôi cũng được chia sẻ. Thú thực lúc ấy người tôi cứ lâng lâng chẳng còn niềm vui sướng nào bằng. Tôi đã hướng cho học trò mình viết thử sau đó biên tập lại và gửi báo, đã có bài của các em được đăng và phải nói rằng niềm vui của trò một thì niềm hạnh phúc của thầy mười. Đã có nhiều học trò gắn bó với “người bạn” mà thầy giới thiệu.
Cuộc sống bao giờ cũng chứa đựng những điều không mong muốn. Giờ đây bố tôi đã khuất, miền đất bán sơn địa vốn yên bình quê tôi đã dần đổi thay, cuộc sống được nâng cao cũng là lúc con người ta sống thực dụng hơn. Phụ huynh và học sinh dần không mặn mà với môn Văn nữa. Có những lúc gặp gỡ với một số phụ huynh, họ hỏi “Thầy dạy bộ môn gì ?” Khi nghe câu trả lời là “Tôi dạy môn Văn” họ dường như có chút khinh khi. Còn bảo “Tưởng thầy dạy Toán, dạy tiếng Anh để còn nhờ kèm cặp”. Điều ấy khiến tôi có phần chạnh lòng. Nhưng rồi tôi lấy lại ngay niềm vui khi nghĩ đến cuốn sách – người bạn thân thiết đã đồng hành cùng tôi bấy lâu nay. Cuốn sách ấy giờ còn là điểm tựa, là động lực để tôi vững vàng hơn trước dòng đời xô bồ đầy cám dỗ, để tôi vẫn mãi giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo, với bộ môn mình đam mê. Xin cảm ơn trang sách cuộc đời - Văn học và Tuổi trẻ của tôi !